Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến hết tháng 12 năm nay sẽ cố gắng chủng ngừa 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng.

– Thứ trưởng có thể cho biết tiến độ vaccine Covid-19 về Việt Nam thời gian tới? (Minh Hằng, 55 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: Vấn đề vaccine được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn dân quan tâm… Ngay từ tháng 3/2020 khi mới có ca bệnh đầu tiên, Chính phủ đã nghiên cứu, triển khai và nhập khẩu vaccine. Việt Nam là một trong bốn nước đầu tiên phân lập virus thành công. Đây là tiền đề quan trọng để nghiên cứu kít chẩn đoán và vaccine sau này.

Hiện có nhiều nguồn vaccine, qua chỉ đạo, Bộ Y tế đã bằng mọi nguồn mọi cách từ chính thống đến đại sứ tại nước ngoài, doanh nghiệp, mọi người dân… khi có giới thiệu, chúng tôi đều tiếp nhận để có nguồn cung vaccine lớn nhất cho Việt Nam. Bộ cũng tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế UNICEF, WHO, song phương đa phương để nhận sự hợp tác, hỗ trợ từ các nước phát triển, đặc biệt những nước phát triển họ đã có đầu tư nghiên cứu, phát triển từ đầu.

tiem-vaccine-covid-19-1
Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thông tin về tiến độ tiêm vaccine Covid-19.

Hiện chúng ta có nguồn cung từ cơ chế Covax, dự kiến 38,9 triệu liều sẽ về Việt Nam trong năm 2021 đến đầu 2022. Thứ hai là nguồn ký giữa ba bên: Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Vaccine và AstraZeneca với tổng số 30 triệu liều sẽ về Việt Nam trong năm 2021.

Chúng ta vừa ký với Pfizer 31 triệu liều, quý 3 sẽ về 3 triệu liều, quý 4 sẽ về 28 triệu liều. Trong năm nay, Nga cũng cung ứng cho Việt Nam khoảng 20 triệu liều. Bên cạnh đó chúng ta có nguồn vaccine viện trợ từ Nhật Bản (1 triệu liều), Trung Quốc (500.000 liều, dự kiến đón vào ngày 20/6).

Chúng ta cũng nghiên cứu để chủ động phát triển vaccine trong nước. Chắc chắn, trong năm 2022 chúng ta sẽ tự chủ nguồn vaccine.

Tổng lượng vaccine về Việt Nam đến cuối năm khoảng 120-150 triệu liều. Mỗi tháng trung bình về 10-30 triệu liều. Bài toán đặt ra là chúng ta làm sao triển khai tiêm an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế đang đề xuất chính phủ thành lập ban chỉ đạo tiêm chủng vaccine với đại diện Bộ, ban ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông với 6 tiểu ban. Gồm: vận chuyển, tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, giám sát, thông tin truyền thông, và văn phòng thường trực ban để vaccine nhận về sẽ chuyển nhanh chóng tới điểm tiêm để triển khai tiêm an toàn hiệu quả.

– Hôm 29/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ mở tất cả cửa để vaccine về Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện cụ thể như thế nào? Xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn đến người dân. (Lê Hoàng, 38 tuổi, Huế)

Giáo sư Trần Văn Thuấn: Theo tôi, mở tất cả cửa để vaccine về Việt Nam ngay câu nói đó đã thể hiện hết ý nghĩa của nó rồi, là chúng ta tạo mọi điều kiện để các nguồn vaccine có thể về Việt Nam sớm nhất, những vướng mắc sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, những gì chưa rõ sẽ được hướng dẫn ngay. Để đảm bảo mục tiêu lớn nhất không để doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn vaccine ngay mà lại không mua về được. Chúng tôi cam kết với vaccine mà đã có giấy phép của WHO thì trong năm này sẽ cấp và vaccine đã được lưu hành tại nước sở tại chưa có giấy phép của WHO thì trong vòng 10 ngày, chúng tôi sẽ xem xét phê duyệt.

tiem-vaccine-covid-19-2
Giáo sư Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế.

– Hiện các địa phương như TP HCM hay Bà Rịa – Vũng Tàu muốn chủ động mua vaccine thì các bước thực hiện như thế nào? Nút thắt hiện nay khiến các địa phương chưa thực hiện chủ động mua vaccine được là gì?

Ông Trần Văn Thuấn: Chúng tôi cho rằng cái khó nhất với các địa phương hiện tại là nguồn cung hạn chế, một số công ty lớn như Pfizer thì họ đàm phán với chính phủ, ít đàm phán với doanh nghiệp. Bộ Y tế sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các tỉnh có thể có vaccine. Đương nhiên Bộ Y tế vẫn kiểm định chất lượng.

Thành phố có thể tự chủ được mua vaccine. Với tổng lượng tầm 5 triệu liều vừa đàm phán, chúng tôi hy vọng lượng vaccine sẽ sớm được đưa về thành phố.

– Theo thông tin, TP HCM chiều nay nhận gần 1 triệu liều vaccine. Xin bà Dương Thị Hồng cho biết số vaccine này sẽ được phân bổ như thế nào?

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia:

Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại TP HCM, Bộ Y Tế đã yêu cầu ưu tiên vaccine AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ cho TP HCM. Việc này sẽ sớm được thực hiện. Vaccine này dùng cho đối tượng ưu tiên là ngành y tế, các tuyến đầu, thành viên trong tổ truy vết, đối tượng làm việc tại các khu công nghiệp. Với sự tham gia của đông đảo lực lượng y tế, sinh viên các trường đại hoc, tôi tin tưởng rằng tốc độ triển khai sẽ nhanh chóng, sẽ rất kịp thời tại TP HCM.

tiem-vaccine-covid-19-3
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

– Lượng vaccine vừa được đưa về TP HCM sẽ được tiêm cho người dân như thế nào, thưa bà. Chúng tôi có thể được tiêm khi nào, đăng ký ở đâu, và nhóm nào được tiêm trước?

Phó giáo sư Dương Thị Hồng: Trước tình hình Covid-19 ở TP HCM hiện nay, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vaccine của AstraZeneca qua Việt Nam. Việc triển khai tiêm vaccine ở TP HCM sẽ sớm được triển khai. Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ nhân viên tuyến đầu, các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, đội ngũ công nhân trong khu công nghiệp. Việc triển khai tiêm vaccine sẽ có sự tham gia của lực lượng đông đảo đội ngũ y tế, sinh viên các trường đại học. Tôi tin rằng với sự chung tay của tất cả các lực lượng, việc triển khai vaccine sẽ sớm được thực hiện và thành công.

– Huỳnh Hữu Quỳnh Như, 45 tuổi, Lô C chung cư Idico, Tân Phú, TP HCM: Công ty tôi có 1.100 người (bao gồm người lao động và người thân của người lao động). Công ty đang rất cần chích vaccine Covid-19, chi phí có thể tự túc 100%. Vậy, công ty cần liên hệ với cơ quan nhà nước nào để đăng ký? Tôi có liên hệ lên Sở Y tế TP HCM và nhận được phản hồi đợi có văn bản hướng dẫn. Rất mong quý khách mời cho em lời giải đáp cụ thể?

GS Trần Văn Thuấn: Rất nhiều hình ảnh đẹp khi Thủ tướng có chủ trương thành lập Quỹ vaccine, rất nhiều người đã tiết kiệm tiền ăn sáng để ủng hộ Quỹ. Người dân đang thể hiện tinh thần chống dịch như chống giặc. Chúng ta ưu tiên cho 9 đối tượng. Thời gian tới vaccine sẽ về nhiều hơn. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nhập vaccine về Việt Nam.

tiem-vaccine-covid-19-4
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn giải đáp về chi phí vaccine đối với doanh nghiệp.

Gần đây chúng tôi có nhận được đề xuất của doanh nghiệp, ứng tiền để mua vaccine. Họ đề xuất để lại 70% phục vụ Nhà nước, Chính phủ, 30% phục vụ cho người dân; hoặc có doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ 80:20. Chúng tôi cho rằng đây là những đề xuất rất hợp lý.

– Chính phủ có chủ trương tiêm vaccine dịch vụ không? Người dân có được chọn vaccine mong muốn không?

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt được như chúng ta mong muốn. Thời gian tới chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng sẽ được nâng cao, chúng ta sẽ cân nhắc chủng ngừa vaccine dịch vụ vào một thời điểm phù hợp.

– Chính phủ có chủ trương tiêm vaccine dịch vụ không? Chúng tôi có được lựa chọn vaccine mà chúng tôi mong muốn hay không?

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại, nhu cầu về vaccine rất lớn và chúng ta hiện tại chủng ngừa với tỷ lệ khiêm tốn, chưa như mong muốn. Thời gian tới chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng sẽ nhanh chóng nâng cao, từng bước cân nhắc đề xuất chủng ngừa vaccine dịch vụ vào thời điểm phù hợp.

tiem-vaccine-covid-19-5
Giáo sư Trần Văn Thuấn cho biết hiện chưa có chủ trương tiêm dịch vụ.

– Trần Mỹ Hạnh, 33 tuổi, Đồng Nai: Việt Nam cũng đang nhận chuyển giao công nghệ để tự chủ sản xuất vaccine. Xin hỏi Thứ trưởng việc này đang được thực hiện đến đâu với từng loại vaccine ạ? Tiến độ thử nghiệm, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước?

GS Trần Văn Thuấn: Chúng ta tự hào là một trong 4 nước đầu tiên dập dịch tốt, một trong 14 nước sản xuất thành công vaccine Covid-19. Cụ thể là các công ty Việt đang tiến hành thử nghiệm. Trong trường hợp khẩn cấp, khi chúng ta cần vaccine quá, Bộ Y tế sẽ trình bày Quốc hội, kịp thời có vaccine phục vụ cho người dân.

Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine Nha Trang vừa kết thúc pha một, tiến hành pha 2. Bên cạnh đó, công ty của Việt Nam cũng đang bàn với phía Nga để nhập vaccine. Chúng ta cũng đang đàm phán thêm với Cu Ba về vaccine.

Một tin rất mừng, một đơn vị lớn của Việt Nam đang đàm phán, chuyển giao mMRA, công nghệ sản xuất vaccine hiện đại nhất trên thế giới. Sắp tới, công ty này sẽ kết hợp với châu Âu, có thể tự chủ về vaccine sớm hơn. Từ đầu năm 2022, chúng ta có thể tự chủ được vaccine.

– Mới đây Bộ Y tế đã điều chỉnh về nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine. Xin được hỏi Thứ trưởng lý do điều chỉnh các đối tượng ưu tiên? Tôi không nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên thì bao giờ được tiêm vaccine? (Ngọc Thành, 38 tuổi, TP HCM)

PGS Dương Thị Hồng: Lý do điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế Covid-19 ở Việt Nam. Khi xây dựng đối tượng ưu tiên, chúng ta phải căn cứ vào tình hình chống dịch hiện tại và đến nay chúng ta có 8 đối tượng được ưu tiên.

tiem-vaccine-covid-19-6
Phó giáo sư Dương Thị Hồng cho biết có 8 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.

Sắp tới đây, những công nhân ở khu công nghiệp cũng sẽ được ưu tiên tiêm, vì họ là nhóm người lao động tạo ra cơ sở vật chất ở khu công nghiệp. Nếu chúng ta không chủ động chống dịch ở khu công nghiệp, sẽ khiến Covid-19 lây lan nhanh. Chính vì vậy, chúng ta sẽ điều chỉnh đối tượng tiêm chủng trước.

Đồng thời, căn cứ vào nguồn cung vaccine còn hạn chế, nên chúng ta phải lựa chọn đối tượng, để có thể tiêm chủng trúng và đúng đối tượng, để nhanh chóng dập dịch, hướng đến 70% dân số có thể tiêm vaccine Covid-19.

– Hồ Ngọc Kỳ (38 tuổi), Nghệ An: Tại sao chúng ta nhận đến nay là gần 3 triệu liều vaccine nhưng mới chỉ tiêm 1,6 triệu liều? Có phải chúng ta đang làm quá chậm hay không? Dự kiến nếu đủ vaccine thì chúng ta tiêm được bao nhiêu liều trong một ngày?

PGS Dương Thị Hồng: Chúng ta đã tiêm chủng được hơn 1,8 triệu liều. Các tỉnh có kế hoạch triển khai trong tháng 6 và sẽ hoàn thành. Một số trường hợp đã tiêm mũi một, sẽ tiêm mũi 2.

Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng đối tượng tiêm chủng. Chúng ta sẽ tiêm chủng mũi hai cho đúng tiến độ. Không chỉ Bộ Y tế, sẽ có các bộ ngành như Bộ Quốc phòng cùng triển khai.

Chúng ta có trên 11.000 điểm chủng, sẽ tập huấn cho cán bộ, học sinh sinh viên các trường sẵn sàng đảm bảo an toàn tiêm chủng. Chúng ta sẽ triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn.

– Em đang ở vùng từng là tâm dịch của nhóm Truyền giáo Phục hưng. Mặc dù nhà em không ra ngoài (trừ khi cần thiết nhưng rất ít) nhưng vẫn sống trong lo lắng vì biến chủng mới này, bố mẹ em thì đều có bệnh nền, điều em quan tâm bây giờ là em muốn bố mẹ em được tiêm vắc xin thì không biết trong thời gian tới sớm nhất có thể thì những nơi nguy cơ cao trong TP HCM (quận gò vấp, 3, 5, 10, Tân Phú chẳng hạn) được ưu tiên triển khai không ạ? Em xin cảm ơn, hy vọng được các cô chú giải đáp. Chúc mọi người sức khỏe an lành mùa dịch ạ. (Trần Kim Long Hải, 23 tuổi, Gò Vấp, TP HCM)

PGS Dương Thị Hồng: Hiện nay vaccine đã ưu tiên cho TP HCM để tổ chức tiêm chủng. Việc tổ chức tiêm chủng cụ thể ở địa phương nào, cho đối tượng nào một cách khẩn trương sẽ do Sở Y tế TP HCM và Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại TP HCM có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho người dân tại khu vực.

Như câu hỏi của bạn, bố mẹ bị bệnh nền nhưng đã được điều trị ổn định thì không phải là chống chỉ định khi tiêm vaccine Covid-19. Trường hợp này, nếu gia đình được xếp vào diện ưu tiên ở địa phương dịch, sau những đối tượng ưu tiên thì bố mẹ bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc sức khỏe hiện tại. Nếu đủ điều kiện thì vẫn được tiêm chủng. Tôi chỉ khuyến cáo sau khi tiêm theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế. Lưu ý, bệnh lý nền hiện nay vẫn khuyến cáo tiêm ở bệnh viện để được theo dõi sức khỏe tốt nhất, đảm bảo an toàn tiêm chủng.

tiem-vaccine-covid-19-7
Phó giáo sư Dương Thị Hồng giải đáp về trường hợp người dân có bệnh nền.

– Chào hai diễn giả. Em xin hỏi người dân trên địa bàn TP HCM bao giờ có lịch tiêm vaccine và vaccine miễn phí hay người dân tự bỏ tiền túi? (Lê Quốc Tuấn, 27 tuổi, quận 12, TP HCM)

PGS Dương Thị Hồng: Hiện nay theo chủ trương của Chính phủ và ngành y tế, chúng ta sẽ tiếp tục tiêm miễn phí cho người dân. Vì nguồn cung hiện tại đều đến từ sự nỗ lực huy động của Chính phủ, ngành y tế và sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lựa chọn các nhóm ưu tiên, khu vực ưu tiên để có kế hoạch tiêm chủng cụ thể. Chúng ta sẽ bám theo lịch tiêm chủng của Sở Y tế TP HCM để có một lịch tiêm cụ thể cho từng khu vực, từng nhóm đối tượng.

– Bộ trưởng Y tế cho biết chiến dịch tiêm chủng lớn nhất Việt Nam có sự tham gia bảo quản và vận chuyển của quân đội. Điều này sẽ giúp gì cho việc triển khai?

GS Trần Văn Thuấn: Được sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo thành lập Ban chỉ đao tiêm chủng gồm 6 tiểu ban: Bộ Quốc Phòng, Y tế, Bộ thông tin truyền thông…

Khi vaccine về Việt Nam, Bộ Quốc phòng đảm nhận, sau đó sẽ chia ra 15.000 điểm tiêm chủng. Mỗi tổ sẽ có nhiệm vụ khác nhau. Trong đó bao gồm: vận chuyển, bảo quản, tiêm chủng, an toàn tiêm chủng, giám sát, văn phòng thường trực… đảm bảo mỗi người dân khi đến tiêm sẽ được cấp một mã QR code riêng.

Các công tác phòng chống dịch được thành công tới hiện tại là sự vào cuộc từ Bộ Y tế, công an, quân đội. Các công việc có sự tham gia từ quân đội rất thành công. Bộ Y tế rất tin tưởng Bộ Quốc phòng.

tiem-vaccine-covid-19-8
Giáo sư Trần Văn Thuấn cho biết các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ để đảm bảo vaccine có thể cung cấp cho người dân.

– Hiện tại có rất nhiều thông tin về việc có phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt sốc phản vệ và đông máu khiến cả tôi và người nhà đều rất lo lắng. Ngành y tế giải quyết vấn đề này như thế nào để đảm bảo an toàn tiêm chủng? (Huỳnh Nhi, 65 tuổi, Nghệ An)

Phó giáo sư Dương Thị Hồng: Tôi giải thích thêm một chút, vaccine Covid-19, các vaccine khác hay bất kể các loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể đều có phản ứng dị ứng của mỗi cá thể khác nhau, tức phản ứng phản vệ sau khi tiêm. Việt Nam đã triển khai tiêm 1,8 triệu liều vaccine, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào không mong muốn về đông máu.

tiem-vaccine-covid-19-9
Phó giáo sư Dương Thị Hồng giải thích về phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19.

Về an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế rất quan tâm và ở Việt Nam khi triển khai tiêm thì đặt an toàn tiêm chủng hàng đầu. Cách triển khai tiêm chủng thực hiện cẩn thận, an toàn, chu đáo hơn một số quốc gia khác, thể hiện sự quan tâm về an toàn của Bộ Y tế được đặt lên hàng đầu.

Chúng tôi nhấn mạnh, tất cả tuyến và các cán bộ y tế đã được tập huấn nhiều lần về xử trí phản ứng sốc phản vệ, tập huấn chuyên biệt về xử lý đông máu. Đây là bước đi trước khi xảy ra ca bệnh cho nên tất cả tuyến đều nắm được phác đồ điều trị để thực hiện ngay và luôn khi có tai biến xảy ra. Đặc biệt với phản ứng phản vệ thì việc can thiệp từ những giây đầu tiên vô cùng quan trọng. Tất cả cán bộ y tế từ xã phường đều được tập huấn.

Bộ Y tế còn thành lập Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng để thấy có sự quan tâm đặc biệt về vấn đề này. Ban an toàn này có những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi khi tiêm.

– Hiện vaccine có nhiều tác dụng phụ quá, tôi không yên tâm. Tôi có nên hoãn tiêm chủng? Hoãn tiêm chủng có ảnh hưởng gì hay không? (Thành An, 35 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Phó giáo sư Dương Thị Hồng: Việc sử dụng vaccine, không có vaccine nào hiệu quả bảo vệ 100% phòng bệnh, không có vaccine nào an toàn 100%. Vaccine Covid-19 hiện nay trên thế giới đã và đang sử dụng ghi nhận phản ứng bất lợi tương đương nhau, còn phản ứng nặng phụ thuộc vào yếu tố cơ địa, cá thể của mỗi người.

Cho nên nếu các anh, các chị tạm hoãn để chờ đợi vaccine là ý nghĩ rất không đúng, bởi vì chúng ta cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt để bảo vệ chính mình, đồng thời hiện nay chúng ta đang cố gắng nỗ lực cao nhất để có thật nhiều vaccine để đạt độ bao phủ miễn dịch cộng đồng.

Chỉ khi có khi 70% dân số Việt Nam được bao phủ vaccine Covid-19 mới có thể phòng chống bệnh tật này. Không vaccine nào mỹ mãn như anh chị chờ đợi là không có tác dụng phụ nào và hiệu quả đạt được tuyệt đối. Tôi xin khuyến cáo chúng ta tích cực tham gia vào công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 chỉ có như vậy mới bảo vệ chính mình và tiến tới giúp cho cộng đồng Việt Nam bảo vệ, phòng chống bệnh dịch nguy hiểm này.

– Dương Anh Đông, 45 tuổi, quận 10, TP HCM: Mũi một tôi tiêm AstraZeneca, vậy mũi sau tôi tiêm Pfizer hoặc Moderna có được không?

Phó giáo sư Dương Thị Hồng: Một số quốc gia châu Âu đang tiến hành nghiên cứu vấn đề này, chưa có kết quả cuối cùng. Chúng tôi khuyến cáo người dân, chúng ta tiêm vaccine nào thì nên tiêm vaccine đó, để đảm bảo an toàn. Chúng ta nên tiêm 2 mũi vaccine của một loại để đảm bảo an toàn, theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng quốc gia.

tiem-vaccine-covid-19-10
Phó giáo sư Dương Thị Hồng khuyên người dân tuân theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng quốc gia.

– Đoàn Ngọc Minh, 40 tuổi, TP HCM: Nếu tôi đã tiêm vaccine rồi thì mỗi năm có cần tiêm lại hay không? Hiệu lực vaccine là bao lâu?

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại chúng ta mới có khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi nhắc lại cách nhau 1 đến 3 tháng. Theo dữ liệu hiện nay, vaccine Covid-19 có hiệu quả tối thiểu 6 tháng. Sau 6 tháng, chúng ta tiếp tục nghiên cứu theo dõi, đánh giá nghiên cứu theo kiến nghị của nhà sản xuất cũng như Tổ chức Y tế Thế giới. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi cập nhật và thông tin sớm nhất tới người dân.

Trước mắt mục tiêu của Chính phủ và Bộ Y tế là phấn đấu trong năm 2021, chúng ta có thể chủng ngừa 70 đến 75% dân số Việt Nam, với tổng cộng 150 triệu liều vaccine.

– Trong một tuần qua, thêm hai nước là Italy và Australia ngừng tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi. Trong khi đó Việt Nam đang tăng tốc tiêm cho người chủ yếu là dưới 60-65 tuổi. Thưa bà Hồng, bà có giải thích thêm giúp chúng tôi trong khi cân nhắc việc đăng ký tiêm? (Minh Hiếu, 37 tuổi, Hà Nam)

PGS Dương Thị Hồng: Vaccine AstraZeneca là tiêm cho người trên 18 tuổi, không có ngưỡng tuổi phía trên là bao nhiêu. Do đó, hiện các quốc gia ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, tiêm chủng vaccine AstraZeneca đã ghi nhận được hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong ở người có bệnh lý nền. Do đó, chúng tôi khẳng định lại, thông tin bạn nghe về việc ngừng tiêm chủng là hoàn toàn không có cơ sở và việc tiêm AstraZeneca hoàn toàn hiệu quả đối với người trưởng thành và người lớn tuổi. Bạn nên hoàn toàn yên tâm và hợp tác tiêm chủng để sớm hướng tới bao phủ vaccine, phòng chống Covid-19.

– Tuấn Anh, 27 tuổi, ở Hà Nội: Bao giờ người dân có thể tiếp cận được vaccine và chi phí tiêm 2 mũi là bao nhiêu cho một người?

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại có Quỹ vaccine, nhận được hỗ trợ từ nhiều nguồn. Chủ trương của Chính phủ là chúng ta sẽ đa dạng hóa vaccine từ nhiều nguồn. Mỗi vaccine ở từng nước thì có giá khác nhau. Chủ trương của chính phủ, Bộ Y tế, chúng ta sẽ miễn phí tối đa cho người dân.

Theo nghị quyết 21, chúng ta sẽ ưu tiên cho những người tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm, vừa rồi mở rộng thêm đối tượng nữa là công nhân. Từ tháng 7 đến 12, trung bình mỗi tháng có 10 triệu đến 29 triệu liều vaccine.

– Nhật Anh, 49 tuổi: Xin hỏi Thứ trưởng, ông dự đoán tháng mấy Việt Nam hoàn thành việc tiêm chủng xong 70% dân số?

GS Trần Văn Thuấn: Chúng ta hy vọng, cố gắng đặt mục tiêu hết tháng 12 sẽ chủng ngừa 70% dân số tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên cũng phải nhắc lại không có loại vaccine nào hiệu quả 100%. Bên cạnh việc chủng ngừa, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

tiem-vaccine-covid-19-11
Giáo sư Trần Văn Thuấn nhấn mạnh không có loại vaccine nào hiệu quả 100% nên người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K.

– Trần Quang Thuận, Hà Tĩnh: Đến thời điểm nào chúng ta có thể mở tiêm dịch vụ theo yêu cầu?

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại Bộ Y tế chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Chương trình tiêm chủng của chúng ta chắc chắn sẽ thành công. Khi hoàn thành thực hiện việc tiêm đối với các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, Chính phủ sẽ cân nhắc mở tiêm dịch vụ vào thời điểm phù hợp sớm nhất.

– Trần Mạnh Hùng, Phú Thọ: Khi nào có thể tiêm chủng cho trẻ em?

PGS Dương Thị Hồng: Loại vaccine đang sử dụng ở Việt Nam là Astrazeneca. Tới đây tùy từng loại vaccine sẽ được sử dụng tại Việt Nam, nhưng chưa có vaccine nào được chỉ định dành cho người dưới 18 tuổi theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Hiện ở một số quốc gia như Mỹ đã áp dụng việc tiêm cho người dưới 18 tuổi nhưng về số liệu này chúng tôi chưa ghi nhận được một cách đầy đủ. Tổ chức Y tế Thế giới cũng chưa có khuyến cáo với các quốc gia khác. Tới đây, nếu có vaccine phù hợp chúng ta hy vọng sẽ tiến tới tiêm chủng cho trẻ em để đảm bảo tiêm chủng 100% dân số. Đó là điều cộng đồng thế giới đang hướng tới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tiêm chủng an toàn và hiệu quả.

– Minh Minh, 50 tuổi, Hà Nội: Vừa qua có một số trường hợp phản ứng quá mạnh với vaccine, thậm chí tử vong sau khi tiêm. Sao không cho người được tiêm thử phản ứng với vaccine bằng cách tiêm thử 1 lượng nhỏ vào cơ thể, đợi xem như thế nào rồi mới tiêm tiếp (giống như thử phản ứng khi tiêm kháng sinh penecilin trước đây)?

PGS Dương Thị Hồng: Chúng ta không thực hiện thử test như kháng sinh, vaccine là những sinh phẩm an toàn, đều được tổ chức y tế khuyến cáo. Khi về Việt Nam cũng được kiểm định kỹ lưỡng.

Chúng tôi khẳng định lại, việc test là không cần thiết. Khi tiêm, người được tiêm có thể có những phản ứng phụ. Ngay khi có những phản ứng phản vệ, cán bộ y tế có thể xử lý, họ đã được thực hành.

– Liệu việc tiêm vaccine tại các đô thị trọng điểm, tập trung dân cư cao, đầu mối giao thông quan trọng có đem lại hiệu quả dập dịch đáng kể? Bộ Y tế có xây dựng chiến lược tiêm chủng theo phân bố dân cư và lao động hay không? (Nguyễn Thy, 29 tuổi)

GS Trần Văn Thuấn: Hiện tại, Bộ Y tế đã và đang xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine, tỷ lệ mắc của từng vùng miền dựa trên nguy cơ lây nhiễm, số đông thì có nguy cơ cao, tỉnh có khu công nghiệp tập trung chắc chắn nguy cơ cao hơn so với các tỉnh miền núi và dân cư thưa thớt. Bộ Y tế phân bổ vaccine theo tiêu chí của nhiều nước tức là phân bố dựa trên tỷ lệ mắc, mật độ dân số, tổng dân số và một số yếu tố nguy cơ khác ví dụ như khu công nghiệp.

– Cho tôi hỏi, vậy là những ai dùng smartphone nhưng không thuộc diện ưu tiên chích ngừa thì cứ đợi chờ tin nhắn của tổng đài về việc đi chích ngừa Covid phải không? Hay tôi phải tự liên hệ thì số điện thoại của tôi mới có trong danh sách nhắn tin đi chích ngừa? Xin cám ơn.

PGS. Dương Thị Hồng

Bộ Y tế sẽ làm việc với công an, có danh sách người dân để rà soát việc tiêm chủng của người dân. Nếu ở trạm y tế xã phường, sẽ có thông báo tới người dân ở đó. Chúng tôi mong muốn có thể thông báo qua tin nhắn, tránh trường hợp tập trung tiêm chủng quá đông. Chúng ta đảm bảo tiêm chủng an toàn.

– Ông nghĩ gì về việc chậm phân phối số lượng 288.000 liều Vaccine của VNVC, để thuốc gần hết hạn mới cho thông qua? Vấn đề chính nằm ở đâu? Mong ông đưa ra lời giải thích cho việc này. Tạ Mai (37 tuổi)

GS Trần Văn Thuấn: Chúng tôi hiểu rằng 288.000 liều này vẫn còn hạn tương đối, chắc chắn trong khoảng thời gian Bộ Y tế cùng chương trình Tiêm chủng quốc gia tính được. Hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bố cụ thể và sẽ triển khai trong thời gian tới để kịp tiến độ.

tiem-vaccine-covid-19-12
Giáo sư Trần Văn Thuấn chia sẻ về hạn sử dụng vaccine.

– Đỗ Xuân Trường, Hà Nội: Tôi nghe nói sau khi tiêm phòng, mua dừa về lấy nước uống sẽ giảm phản ứng phụ có đúng không?

PGS Dương Thị Hồng: Sau khi tiêm chủng vaccine Covid-19, cũng như bất cứ loại vaccine nào khác thì đều có thể xảy ra một số phản ứng hết sức thông thường như sưng đau tại chỗ, có thể sốt nhẹ đến vừa. Trong trường hợp sốt, việc bù nước và điện giải là rất quan trọng. Nước dừa cũng cách phòng bù nước, mất nước, tạo cho cơ thể tránh được tình trạng háo nước, khát nước khi sốt. Hiện không có hướng dẫn nào về việc uống nước dừa sẽ giảm phản ứng sau tiêm chủng.

– Cho tôi hỏi liệu vaccine do Việt Nam sản xuất hiện tại đang vào thử nghiệm trong giai đoạn 3 vậy thì trong bao lâu nữa mới biết vaccine này có thể an toàn tiêm chủng cho người dân? Và sau khi được phê duyệt đủ tiêu chuẩn an toàn thì trong khoảng thời gian nào người dân mới được tiêm chủng và tiếp cận vaccine? (Trương Lệ Vân, 30 tuổi, Quận 1, TP HCM)

GS Trần Văn Thuấn: Như chúng tôi vừa nói, hiện vaccine sớm nhất của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàn pha 3, theo đúng quy trình là cuối năm 2021, chúng ta sẽ hoàn thành pha 3. Nếu pha 3 thành công, vaccine của Nanogen sẽ được sản xuất và phục vụ cho người dân Việt Nam vào đầu năm 2022.

tiem-vaccine-covid-19-13
GS Trần Văn Thuấn cung cấp thông tin về vaccine Covid-19 của Việt Nam.

Tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, Covid-19 lan tràn, chúng tôi sẽ đánh giá giữa kỳ có thể vào tháng 8, tháng 9. Nếu giữa kỳ an toàn, Bộ Y tế sẽ xin phép Chính phủ trình Ủy ban thường vụ quốc hội cho phép phê duyệt khẩn cấp để sản xuất ngay vaccine của Nanogen để phục vụ cho người dân Việt Nam. Hiện, có một đơn vị lớn của Việt Nam đã đàm phán thành công với một công ty của châu Âu để chuyển giao công nghệ hiện đại mMRA, công ty này đã hoàn thành pha 2 và kết hợp với Việt Nam để thử nghiệm lâm sàng pha 3 từ tháng 7. Chúng tôi dự kiến sẽ tiến hành pha 3 trong khoảng tháng 7 đến tháng 11. Trong thời gian đó, công ty đó sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng mới và bổ sung để sản xuất ngay trong tháng 11, 12 nếu chúng ta thử nghiệm pha 3 thành công. Tôi hy vọng trong năn 2021 sẽ có vaccine made in Việt Nam.

– Tôi đã tiêm vaccine liều đầu tiên và được các y bác sĩ hướng dẫn tận tình. Tôi rất cảm ơn và mong chờ lịch tiêm tiếp theo. Cho hỏi, khi nào thì tôi được tiêm mũi thứ 2?

PGS Dương Thị Hồng

– Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì để đảm bảo hiệu quả mũi tiêm thứ hai cần tiêm sau 8 tuần kể từ lúc tiêm mũi một. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thế này, chúng ta nếu có đủ nguồn cung, với những đối tượng đã được tiêm vaccine đến nay đều là những người rất cần thiết phải sử dụng biện pháp phòng chống này. Do đó, ngay khi có đợt vaccine mới về, chúng tôi chủ trương các cơ sở y tế triển khai tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm mũi một, cố gắng giữ thời gian lý tưởng là 8 tuần. Nhưng với các trường hợp đến thời điểm tiêm lại có một số bệnh lý như sốt, nhiễm trùng cấp tính theo đánh giá của bác sĩ thì phải tạm hoãn tiêm, chúng ta có thể tiêm liều tiếp theo khi bác sĩ chỉ định.

PGS Dương Thị Hồng: Cuối chương trình, tôi xin đưa ra thông điệp tới độc giả: Không có vaccine nào là tuyệt đối an toàn và hiệu quả 100%, nhưng việc sử dụng vaccine trong lịch sử tiêm chủng rất nhiều năm là hiệu quả, bền vững để phòng chống những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Với lượng vaccine cung ứng dần nhiều hơn, độ bao phủ ngày càng cao, cùng với việc tiêm vaccine chúng ta vẫn cần tuân thủ 5K của Bộ Y tế.

Khi được tiêm chủng, người dân đừng chần chừ mà hãy tích cực tiêm chủng vaccine, tránh tâm lý chờ đợi một vaccine mà nghĩ rằng an toàn, hiệu quả hơn thì chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội sớm được tiêm chủng để phòng bệnh Covid-19 cho chính mình, gia đình và những người xung quanh, tiến tới toàn bộ cộng đồng được bảo vệ.

GS Trần Văn Thuấn: Xin cảm ơn tình cảm người dân dành cho ngành Y tế và cán bộ ngành Y tế, tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với các Bộ, ban, ngành để tiếp tục làm tốt hơn công tác phòng chống dịch trong thời gian tới.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực hết sức để làm sao trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất đưa nhiều nguồn vaccine về phục vụ người dân Việt Nam. Như vậy phần lớn người dân sẽ được chủng ngừa trong hai quý cuối năm 2021, đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm phòng, đạt mục tiêu của Đảng và Chính phủ giao cho ngành Y tế.

Trong khi chờ vaccine và sau khi tiêm vaccine phải thực hiện tốt 5K. Tức là công thức 5K cộng vaccine theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 và Bộ Y tế.

Nguồn: https://vnexpress.net/thu-truong-y-te-muc-tieu-het-thang-12-chung-ngua-70-dan-so-4295179.html

Đánh giá